Thể thao và văn hóa: Thi Slam thơ tiếng Việt: Nhà văn Y Ban và nữ sinh viên ẵm giải, sang Pháp dự Slam thơ quốc tế

Chủ nhật - 26/03/2017 15:45
Capture Capture

Lần đầu tiên, cuộc thi “Slam thơ – Đêm thơ lớn" (diễn ra tối 25/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội) với 2 giải thưởng là một chuyến thăm quan nước Pháp trong một tuần đã thuộc về nữ nhà văn Y Ban và nữ sinh viên Minh Ngân - Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN).

Ngoài ra, nhà văn Y Ban và nữ sinh viên Minh Ngân sẽ tham dự Slam thơ quốc tế, diễn ra vào trung tuần tháng Năm tới, cũng tổ chức tại Pháp.

Từ cuộc sinh hoạt đọc thơ vui là chính

Đêm thi chia làm 2 phần: đọc thơ bằng Tiếng Việt của nhà thơ Việt Nam và đọc thơ bằng Tiếng Pháp của sinh viên.

Điều đặc biệt là, BGK gồm 3 người được chọn ngẫu nhiên trong số những khán giả tại cuộc thi với tiêu chí không phải "họ hàng thân thích" hay thậm chí chỉ là quen biết của thí sinh.

Quang cảnh chung kết Slam thơ tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối ngày 25/3
Quang cảnh chung kết Slam thơ tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối ngày 25/3

Ba giám khảo ngồi ở ba góc khác nhau dưới hàng ghế khán giả và chấm bằng cách giơ bảng điểm để khán giả trong khán phòng thậm chí có thể tự cộng điểm xem ai sẽ đoạt vé sang Pháp khi cuộc thi vừa kết thúc.

Điều này đã tạo nên sự thú vị khi điểm số sẽ được chấm hoàn toàn dựa theo cảm tính của mỗi thành viên trong BGK. Và, tiêu chí của cuộc thi là không hạn chế về đề tài, được dùng mọi phong cách thể hiện để đạt được mục đích cao nhất.

Tuy nhiên, điều "cấm kỵ" là thí sinh không được sử dụng âm nhạc, trang trí hay kết hợp với các hình thức nghệ thuật khác để mục đích là "làm cho thi ca trở lại cái gốc ban đầu như là loại hình nghệ thuật của mọi đối tượng công chúng".

Hai quán quân cuộc thi Slam thơ tiếng Việt: nữ nhà văn Y Ban (trái) và Minh Ngân
Hai quán quân cuộc thi Slam thơ tiếng Việt: nữ nhà văn Y Ban (trái) và Minh Ngân

Tất cả có 28 thí sinh, trong đó có 12 thí sinh là nhà thơ, 16 thí sinh là sinh viên. Đáng chú ý, ngoài những thí sinh đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội có cả những thí sinh ở những tỉnh xa như Vinh, TP.HCM cũng "khăn gói" về Thủ đô ứng thí.

Mỗi nhóm thí sinh (nhóm nhà thơ – nhóm sinh viên) trải qua 2 vòng thi nhưng có một điểm chung được BGK cho điểm cao là đều "mượn thơ để phản ánh những thực trạng nhức nhối của xã hội như: nạn bạo hành, tham nhũng, đời sống công nghệ đang tác động thậm chí là làm xấu đi cuộc sống tươi đẹp của con người".

Kết quả, “Slam thơ – Đêm thơ lớn" lần đầu tiên đã ghi tên 2 quán quân vào bảng vàng: nhà văn Y Ban và nữ sinh viên Minh Ngân.

Ngoài ra, BTC còn trao một số giải phụ cho các thi sinh và phần thưởng đơn giản chỉ là những hộp bánh bao của Nhật và bánh đậu xanh...

Đến cơ hội vinh danh thơ Việt tại Slam quốc tế

Đêm chung kết "Slam thơ – Đêm thơ lớn" nằm trong chuỗi hoạt động nhân ngày Quốc tế Pháp ngữ do Đại sứ quán Pháp, Viện Quốc tế Pháp ngữ và một số đơn vị khác cùng phối hợp tổ chức.

Sau giải thưởng này, nữ nhà văn Y Ban cùng sinh viên Minh Ngân sẽ có cơ hội đến Pháp, nhưng không chỉ để thăm quan mà còn tham dự Slam thơ quốc tế với 24 đại diện đến từ các quốc gia khác nhau.

Tổng kết và trao giải phụ cho các thí sinh
Tổng kết và trao giải phụ cho các thí sinh

Tác giả của "I am đàn bà" cho biết: "Khi tham gia cuộc thi quốc tế, thực sự mình không còn coi đó là một cuộc chơi nữa vì dẫu sao mình cũng mang màu cờ sắc áo đi thì buộc mình sẽ phải làm hết lòng".

Từ đây đến giữa tháng Năm, nhà văn Y Ban "buộc phải" chuẩn bị 6 tác phẩm gửi trước cho BTC Slam thơ quốc tế để dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Tuy nhiên khi đọc, nhà văn Y Ban phải đọc bằng tiếng Việt. "Tôi sẽ cố gắng để cho cái tên Việt Nam, văn chương Việt Nam không còn gì xa lạ với bạn bè cộng đồng nói tiếng Pháp nữa", nhà văn Y Ban nói trong niềm vui khôn tả.

Trong khi đó, Minh Ngân cho biết sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay sau ngày hôm nay và sẽ cố gắng hết sức khi đại diện cho Việt Nam tại sân chơi quốc tế này.

"Slam thơ được nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo ra vào năm 1986 với mục đích mang thơ tới gần khán giả hơn.

Bằng sự sinh động và tự nhiên, thể loại trình diễn thơ này gồm những quy tắc tối giản, cho phép nhà thơ tự do biểu diễn tác phẩm của mình một cách chân thật và lôi cuốn nhất", phát biểu của TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ.

 

Tác giả bài viết: Khánh Nguyễn - Nguyễn Phạm (Thể thao và Văn hóa)

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn


 
 Từ khóa: Slam thơ, slam thơ 2017
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage