Hội thảo quốc tế “Vai trò của Hệ thống thông minh và Đa phương tiện trong Truyền thông số”

Thứ tư - 20/09/2023 18:01

Ngày 20/9, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐHQGHN phối hợp cùng Viện chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Vai trò của Hệ thống thông minh và Đa phương tiện trong Truyền thông số”. Đây là một trong các hoạt động thuộc chuỗi Hội thảo Khoa học liên ngành - DAAS do IFI khởi xướng dưới sự bảo trợ của ĐHQGHN.

Về phía khách mời-đại biểu có ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI); ông Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Vũ Đỗ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long; bà Đặng Thị Việt Hòa, Phó trưởng khoa tiếng Pháp, trường Đại học Hà Nội. Về phía IFI có ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa cùng đại diện các phòng, ban chuyên môn của đơn vị.

1

Tham gia diễn thuyết và thảo luận tại Hội thảo có các diễn giả: ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI); ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies; ông Pascal Fleury, Tiến sĩ về Khoa học Con người, chuyên ngành truyền thông và quảng cáo, giảng viên tại Đại học Sorbonne (Pháp); ông Adama Mallé, Phụ trách Truyền thông số, Tập đoàn HER Enr (Pháp), cựu học viên chương trình Thạc sĩ Thông tin-Truyền thông, chuyên ngành Truyền thông số và Xuất bản (INFOCOM) tại IFI; bà Nguyễn Thị Huyền Trang, giảng viên Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và bà Trần Anh Thư, MC, Biên tập viên Đài truyền hình Hà Nội. Ngoài ra, sự kiện còn chào đón bà Triệu Nguyễn Huyền Trang, Giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cựu học viên Thạc sĩ INFOCOM tại IFI với vai trò điều phối tại Phiên thảo luận.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến từ các trường đại học như: trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Thăng Long, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và một số trường đại học khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mở đầu Hội thảo, ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ  khẳng định dưới sự tác động của làn sóng chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng là công nghệ thông tin, truyền thông đã có sự chuyển biến từ mô hình truyền thống sang truyền thông số. Điều đó được thể hiện qua sự lên ngôi của Internet, mạng xã hội và các công nghệ truyền thông đa phương tiện trong đó có hệ thống thông minh và đa phương tiện. Truyền thông số cũng cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kết nối toàn cầu, hỗ trợ nền tảng cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, cải thiện phương thức quản lý và tiếp cận khách hàng, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức cho mô hình truyền thông mới như vấn đề an ninh và quyền riêng tư, thông tin giả mạo, chất lượng nội dung, nhân lực và sự phụ thuộc vào công nghệ. Chính vì vậy, Hội thảo quốc tế “Vai trò của Hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số” là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước để chia sẻ, trao đổi những thông tin cập nhật, kinh nghiệm về lĩnh vực truyền thông số.

2

Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ

Ông Phùng Danh Thắng cũng cho biết đây là sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo Khoa học liên ngành Diderot Advance Academic Seminars (DAAS) do IFI khởi xướng và tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của ĐHQGHN. Đồng thời, sự kiện cũng là một trong những hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập IFI (1993-2023) dự kiến diễn ra vào tháng 11 sắp tới. Với 30 năm phát triển, IFI tự hào là đơn vị tiên phong trong đào tạo về công nghệ thông tin và liên ngành, trong đó có lĩnh vực truyền thông số. Hiện IFI đang hợp tác cùng Đại học Toulon (Pháp) triển khai chương trình Thạc sĩ Thông tin-Truyền thông, chuyên ngành Truyền thông số và Xuất bản (INFOCOM).

Tiếp nối chương trình là Phiên tham luận với phần trình bày của 4 diễn giả. Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng DTSI mở đầu với chủ đề “Xu thế truyền thông số và định hướng phát triển truyền thông số tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”. Trong phần trình bày của mình, ông Trường Giang cho rằng truyền thông số là một dạng thức phối hợp giữa truyền thông (theo cách tiếp cận truyền thống) và môi trường số (cyberspace) thông qua sự kết hợp giữa người và máy (H2M) nhờ tiến trình cách mạng kỹ thuật số ngày càng đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đây là một trong những sản phẩm của tiến trình chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay. Ngoài ra, Viện trưởng DTSI cũng giới thiệu bức tranh về truyền thông số, đồng thời đề xuất một số định hướng phát triển cho lĩnh vực này tại Việt Nam thông qua một số khía cạnh như tầm nhìn, tri thức, vị thế, tiến trình phát triển, sự phối hợp giữa các bên liên quan,...

3

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng DTSI

Với đề tài tham luận “Những nghịch lý của truyền thông số trong bối cảnh hiện nay”, ông Pascal Fleury, Tiến sĩ về Khoa học Con người, chuyên ngành truyền thông và quảng cáo, giảng viên tại Đại học Sorbonne (Pháp) nhận xét rằng các vấn đề bất cập của truyền thông số hiện nay không phải là mới bởi con người cũng từng đối mặt với những mặt trái của các hình thức truyền thông khác từ xưa đến nay như chữ viết, in ấn và xuất bản, phát thanh, truyền hình,... Diễn giả người Pháp cho rằng thay vì có thái độ lo lắng, bài trừ thái quá, cần khai thác có hiệu quả các công cụ truyền thông số để làm phong phú và mở ra những kỹ năng mới cho con người. Cuối cùng, ông Fleury khẳng định cũng giống như các phương thức truyền thông trước đó, truyền thông số vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng đồng thời cũng mở ra một kỷ nguyên mới, nơi khả năng tiếp cận kiến thức và thông tin được tăng lên với tốc độ chưa từng có. Những lỗ hổng của truyền thông số sớm hay muộn cũng sẽ được giải quyết như những gì đã xảy ra với các cuộc cách mạng truyền thông trong quá khứ, đặc biệt là khi xu hướng này trở nên phổ biến và trở thành một phần của đời sống hiện đại.

4

Ông Pascal Fleury, Tiến sĩ về Khoa học Con người, chuyên ngành truyền thông và quảng cáo, giảng viên tại Đại học Sorbonne (Pháp)

Mang đến những quan điểm về truyền thông số dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies đã trình bày bài tham luận “Niềm tin số và cách PR lấy lại niềm tin số”. Diễn giả Quốc Vinh đã nêu lên những vấn đề mà con người đang phải đối mặt trước sự phát triển của truyền thông số như: thiếu sự tương tác cá nhân, quá tải thông tin, tài khoản ẩn danh, thông tin giả, thiếu sự kết nối riêng tư, mất tính an toàn trên không gian mạng,... Tiếp đó, ông Lê Quốc Vinh cũng đưa ra những từ khóa cần lưu ý để thực hiện một chiến dịch truyền thông có giá trị đó là: engagement (nội dung truyền thông phải thú vị đủ sức hấp dẫn khách hàng mục tiêu), interactive (cởi mở và sẵn sàng tương tác với khách hàng), Involvement (giải pháp thông minh lôi kéo khách hàng tham gia vào các chiến dịch truyền thông), personalisation (tùy chỉnh thông điệp để chạm tới cảm xúc của khách hàng). Về vấn đề khủng hoảng truyền thông, ông Quốc Vinh cho rằng điều này xuất phát từ những khoảng trống thông tin hoặc không minh bạch, rõ ràng, gây nghi ngờ, hiểu nhầm, mất niềm tin nơi công chúng. Do đó, để vượt qua những thách thức đó, người làm truyền thông cần đảm bảo 3 yếu tố: chính trực, minh bạch và nhân văn.

5

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies

Là cựu học viên Thạc sĩ Thông tin-Truyền thông tại IFI và hiện đang là Phụ trách truyền thông số, Tập đoàn HER Enr (Pháp), ông Adama Mallé mang đến đề tài “Truyền thông số và những kỹ năng cần thiết trong bối cảnh hiện nay”. Diễn giả người Mali cho biết truyền thông số đã phát triển ngay từ thuở ban đầu của Internet vào những năm 1990 và đang trở nên “bùng nổ” trong thời đại công nghệ hiện nay. Do đó, con người cần rèn luyện những kỹ năng về kỹ thuật, quản trị và truyền thông để có thể khai thác hiệu quả và làm chủ lĩnh vực này. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực về truyền thông số để nắm bắt và thích nghi với những xu thế mới nhất của ngành hiện nay, từ đó biến truyền thông trở thành công cụ phục vụ con người thay vì phải lệ thuộc vào công nghệ. Ông Mallé cũng nêu ví dụ về một số doanh nghiệp ở Pháp đã thành công khi sử dụng truyền thông số để nâng cao độ nhận diện của mình trên thị trường, từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

6

Ông Adama Mallé, Phụ trách Truyền thông số, Tập đoàn HER Enr (Pháp), cựu học viên chương trình Thạc sĩ Thông tin-Truyền thông, chuyên ngành Truyền thông số và Xuất bản (INFOCOM) tại IFI

Kết thúc Phiên tham luận với nhiều thông tin bổ ích, Phiên thảo luận do bà Triệu Nguyễn Huyền Trang, Giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cựu học viên Thạc sĩ INFOCOM tại IFI điều phối đã diễn ra trong không khí sôi nổi. Các câu hỏi được đặt ra nhằm thảo luận và phân tích nhiều khía cạnh của truyền thông số như: cơ hội và thách thức của việc ứng dụng hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số; phản ứng của giới trẻ Việt Nam và quốc tế trước sự phát triển của các công cụ AI, điển hình là ChatGPT; trách nhiệm của công dân với chính phủ và xã hội trong việc bảo vệ một môi trường truyền thông “sạch”; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực về truyền thông số trong bối cảnh hiện nay,... Thêm vào đó, với sự có mặt của đông đảo các bạn sinh viên, các diễn giả cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các bạn trẻ về những kỹ năng, kiến thức cần trang bị để có thể thành công và phát triển bản thân trong lĩnh vực truyền thông số hiện nay.

7

Phiên thảo luận đã diễn ra trong không khí sôi nổi

Hội thảo mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực truyền thông số và đã kết thúc thành công tốt đẹp chiều ngày 20/9 tại Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

8

Hội thảo thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội

9

Toàn cảnh Hội thảo

10

Hội thảo được diễn ra bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến

11

Bà Triệu Nguyễn Huyền Trang, Giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cựu học viên Thạc sĩ INFCOM tại IFI

 

Tác giả bài viết: Hoàng Long - IFI Media


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage