VnEconomy: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần. Cơ hội việc làm trong ngành cũng được dự báo là tiếp tục tăng trong khi các doanh nghiệp vẫn rất thiếu nhân lực…

Thứ hai - 24/05/2021 02:43

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần. Cơ hội việc làm trong ngành cũng được dự báo là tiếp tục tăng trong khi các doanh nghiệp vẫn rất thiếu nhân lực…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận định này được TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) – đơn vị chuyên đào tạo thạc sỹ về công nghệ thông tin chia sẻ với VnEconomy xung quanh vấn đề nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số tại Việt Nam.

Nhu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế số trong thời gian tới dự báo sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi nhận thấy rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đã tăng lên gấp 4 lần, riêng hằng năm vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 50%, về mức lương cũng tăng lên gấp 2,5 - 3 lần cho các vị trí.

Gần đây, tôi cũng biết đến thông tin là chúng ta đang cần 1 triệu nhân lực liên quan đến công nghệ thông tin, nói rộng hơn là ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Suy cho cùng, chuyển đổi số hay kinh tế số đều phải dựa trên nền tảng kỹ thuật là công nghệ số, trong khi tất cả các hoạt động của xã hội đang ngày càng được số hóa toàn diện, vì vậy nhu cầu nhân lực trong ngành này chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.

Vậy theo ông những lĩnh vực cụ thể nào sẽ cần nhiều nhân lực công nghệ thông tin hơn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao?

Thực tế, tất cả các ngành hiện nay đều cần nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, chẳng hạn như truyền thông bây giờ cũng là truyền thông số, hay với lĩnh vực ngân hàng thì tất cả các giao dịch hiện cũng đều được số hóa. Thậm chí, như trong lĩnh vực giáo dục thì giảng dạy cũng đã có học online, rồi việc tra cứu tài liệu, công bố thông tin cũng dưới hình thức trực tuyến. Ngay cả vai trò của người thầy theo định nghĩa truyền thống cũng đang dần thay bằng AI, còn người học có thể tra cứu tự động.

Vì vậy có thế nói không một lĩnh vực nào mà không có nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ thông tin. Do đó, cơ hội việc làm cho ngành này hiện nay là rất lớn, các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực này cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khác nhau đều đang rất “khát” nhân lực.

Vậy trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực Việt Nam có lợi thế gì để phát triển nền kinh tế số, thưa ông?

Tôi nhận thấy chúng ta đang có triển vọng rất lớn. Trước hết, nước ta có quy mô dân số đủ lớn với khoảng 100 triệu người, điều này sẽ tạo ra một thị trường lớn cho phép các thử nghiệm, thiết kế mới có thể giảm giá thành ban đầu, thực tế rất nhiều nước quy mô dân số nhỏ từng gặp khó khăn trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ dân số vàng dù có thể sẽ không kéo dài lâu nữa, nhưng hiện vẫn là quốc gia có dân số trẻ. Đáng chú ý, là từ năm 1945 đến nay nền giáo dục của chúng ta đạt được rất nhiều thành tựu, giáo dục trình độ phổ thông cũng được đánh giá khá tốt so với thế giới, bản thân người Việt Nam có hoài bão, ý chí, năng lực và kỹ năng tốt, tôi cho đó là những điều rất thuận lợi.

TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một lợi thế nữa là trong những năm vừa qua, ngành công nghệ thông tin trong nước đã có những bước phát triển rất nhanh chóng, điều này tạo ra hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin khá phát triển. Cùng việc người dân sử dụng smartphone với tỷ lệ cao chính là một điểm tựa để chúng ta ứng dụng, khai thác các tiềm năng của kỷ nguyên số hóa phục vụ cho quá trình phát triển.

Ngoài ra, một yếu tố không thể không kể đến chính là sự nhận thức của toàn xã hội, trong đó có những nhà quản lý, nhờ đường lối lãnh đạo tập trung đã cho phép huy động nguồn lực của toàn xã hội vào những lĩnh vực lớn.

Tôi cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư đường dài, những quốc gia có sự lãnh đạo tập trung cao, toàn dân đồng lòng thì đấy chính là tiềm năng và thế mạnh rất lớn. Mặc dù vậy, tiềm năng sẽ vẫn chỉ là tiềm năng nếu không được khai thác hiệu quả.

Nếu để nói về một yếu tố cần nhất trong những lợi thế ông vừa phân tích để phát triển nền kinh tế số, ông sẽ nói đó là gì, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Thậm chí, ngay cả khi các nhà lãnh đạo, quản lý đã nhận thức rất rõ vấn đề này rồi nhưng từ nhận thức đến tổ chức thực thi hiệu quả đòi hỏi người lãnh đạo cần thay đổi cách thức quản lý.

Tôi lấy ví dụ ngay trong ngành giáo dục đào tạo chẳng hạn, rõ ràng là khi chúng ta đã chuyển đổi số mà vẫn yêu cầu tỷ lệ giáo viên/sinh viên, diện tích phòng học là bao nhiêu thì đấy là tư duy của thời 1.0, 2.0 rồi. Một người thầy giỏi là có thể dạy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mà chất lượng vẫn tốt.

Cho nên các chỉ số đưa ra có tính máy móc như vậy thì vẫn thể hiện rằng chúng ta chưa triệt để về mặt nhận thức. Vĩ lẽ đó, tôi cho rằng, cái khó khăn nhất không phải là tác động từ xã hội hay bên ngoài đâu mà chính là ở việc chúng ta thay đổi cách nhìn, tư duy.

 

Tác giả bài viết: PV Thu Hằng


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage