Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin

Thứ hai - 22/02/2021 05:26

Cuốn sách mới nhất của Ngô Tự Lập, nhan đề: “Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin” là công trình học thuật đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu một cách hệ thống và khách quan “Vụ đạo văn thiên niên kỷ” của Bakhtin, khôi phục lại tác quyền cho Voloshinov và Medvedev.

Trong những chia sẻ về tác phẩm mới nhất của mình dưới đây, tác giả Ngô Tự Lập còn mang đến cho chúng ta những quan điểm mới mẻ về con đường sáng tác văn chương và nghệ thuật.

Vì sao anh lại chọn vấn đề của Bakhtin, Voloshinov cho cuốn sách lần này?

- Trước hết, Voloshinov là một tác giả cực kỳ quan trọng, người đặt nền tảng cho hầu hết lý thuyết và trào lưu tư tưởng quan trọng của thế giới trong thế kỷ XX, đặc biệt là chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong nghiên cứu văn học, ông là người đưa ra lý thuyết liên văn bản, khái niệm tiểu thuyết phức điệu. Cuốn sách của tôi chủ yếu tập trung vào đóng góp của ông trong ngôn ngữ học với tư cách là cha đẻ của nguyên lý đối thoại, ngữ dụng học và lý thuyết diễn ngôn. Là người dạy học, tôi nhận thấy rằng, phần lớn các em sinh viên không hiểu khái niệm “diễn ngôn”. Lý do là họ chỉ được học phần ngọn. Tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải giới thiệu cho họ những kiến thức nền tảng. Trước cuốn sách này, tôi đã dịch cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” của Voloshinov và xuất bản cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển”, ứng dụng lý thuyết của ông vào nghiên cứu văn học. Trong cuốn sách này, tôi cũng dịch hai tiểu luận cực kỳ quan trọng của ông, đó là “Diễn ngôn trong đời sống và diễn ngôn trong thơ” (1926) và “Cấu trúc phát ngôn” (1930).

Lý do thứ hai là sự bất công đối với Voloshinov. Hơn ba chục năm sau khi Voloshinov mất, một người từng được Voloshinov và Medvedev cưu mang là Bakhtin đã lập mưu chiếm đoạt toàn bộ sự nghiệp của hai tác giả xuất chúng này. Sự tôn vinh Bakhtin dựa trên những tuyên bố dối trá của ông ta thực sự đáng kinh ngạc, đến mức hai nhà nghiên cứu Thụy Sĩ là J.P. Bronckart và C. Bota phải mô tả là một “cơn mê sảng tập thể”. Có thể nói rằng, vụ đạo văn của Bakhtin là vô tiền khoáng hậu trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Là người có duyên nợ nghiên cứu về Voloshinov, Medvedev và Bakhtin gần hai chục năm nay, tôi tự thấy mình có nghĩa vụ đạo đức phải nói lên sự thật. Viết cuốn sách này, ngoài nội dung khoa học, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, rằng đối với người làm khoa học, điều quan trọng nhất là thượng tôn chân lý. Đó chính là tinh thần khoa học.

Anh đã hoàn thành cuốn sách trong bao lâu?

- Năm 2000, Nguyễn Vĩnh Tiến, nay là một nhạc sĩ nổi tiếng, tặng tôi cuốn sách “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học” của Phan Ngọc, trong đó có bài “Thơ là gì?”. Sửng sốt về quan niệm máy móc của Phan Ngọc về ngôn ngữ và văn chương, khi ông định nghĩa thơ là “cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ”, tôi có viết một bài phê bình và nhận được phản ứng rất gay gắt từ các học trò của ông. Tôi càng sửng sốt hơn khi biết rằng quan niệm máy móc về ngôn ngữ và văn học của Phan Ngọc được rất nhiều người bảo vệ. Từ cuộc tranh luận này, trong tôi hình thành một quan niệm hoàn toàn khác về ngôn ngữ mà lúc đó tôi nghĩ rằng mình có thể là người mở đầu. Tôi quyết định bỏ dở đề tài tiến sĩ tại Pháp về văn học kỳ ảo sắp hoàn thành để sang Hoa Kỳ làm một luận án tiến sĩ khác. Sau mấy tháng đào bới kho tài liệu của hệ thống thư viện liên bang Hoa Kỳ, tôi phát hiện ra Volososhinov. Thú thật, tôi đã vô cùng thất vọng khi biết rằng mình không phải là người đầu tiên. Những gì tôi mới đang phôi thai thì Voloshinov đã làm vô cùng xuất sắc trong những năm 1920. Cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” chắc chắn là một trong những cuốn sách quan trọng nhất tôi từng đọc trong đời.

Cũng trong thời gian nghiên cứu ở Hoa Kỳ, tôi đọc được nhiều tài liệu về Medvedev và Bakhtin. Ban đầu, giống như nhiều người khác, tôi cũng tin vào những lời đồn đại hoàn toàn vô căn cứ, rằng Bakhtin là tác giả thực sự của những kiệt tác ký tên Voloshinov và Medvedev, rằng hai tác giả này là học trò dốt nát của Bakhtin. Tôi bắt đầu nghi ngờ khi đọc được tuyên bố của Bakhtin, rằng cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” viết không được kỹ vì ông đọc miệng cho Voloshinov chép.

Nhận xét của tôi hoàn toàn ngược lại. Tác phẩm này, cũng như những tác phẩm khác ký tên Volohinov (và Medvedev) đều được trình bày rất chặt chẽ, bằng một thứ văn chương tuyệt đẹp giàu hình ảnh. Còn những tác phẩm của Bakhtin, ngược lại, thường lủng củng, tối nghĩa. Và tôi không tin có ai có thể đọc miệng cho người khác chép một công trình sâu sắc và phức tạp như cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ”. Về sau, tôi phát hiện ra rằng phần ba của cuốn sách - bàn về vấn đề truyền đạt lời kẻ khác và tiểu thuyết phức điệu - chính là luận án tiến sĩ của Voloshinov.

Một nhận xét cá nhân khác: Trong các tác phẩm ký tên Voloshinov, tác giả rất thích sử dụng các thuật ngữ âm nhạc như “nhịp điệu”, “tiết tấu”, “hòa âm”, “âm bồi”, “bè chính”, “bè phụ”, “tiếng sáo”, “giai điệu”, “phức điệu”... Bằng trực giác của một người sáng tác âm nhạc, tôi tin rằng tác giả của nó phải là Voloshinov, vì ngoài ngôn ngữ học, ông còn nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy âm nhạc. Trong khi đó, Bakhtin không biết nhạc. Những nghi ngờ ban đầu này dẫn tôi đến một khối lượng tài liệu rất lớn, trong đó có tài liệu của sáu cuộc phỏng vấn Bakhtin do Giáo sư Đuvakin của Đại học Lomonosov thực hiện. Những điều do chính Bakhtin nói ra trong tài liệu này giúp làm hiển lộ nhiều điều dối trá của ông ta. Tóm lại, có thể nói rằng, quá trình viết cuốn sách hoà quyện với công việc nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy của tôi trong suốt 20 năm qua.

Anh là một trong không nhiều tác giả Việt Nam có những công trình nghiên cứu dài hơi, mang tính tổng thể với những kiến giải và sáng tạo của riêng mình về ngôn ngữ và văn chương. Từ đâu mà anh có niềm tin vào sự kiên định này?

- Tôi là người tự học suốt đời. Việc viết sách, làm thơ, dịch thuật hay sáng tác ca khúc với tôi đều vừa là sáng tác vừa là học hỏi. Vì thế, tôi cũng không nghĩ rằng mình cần bất cứ sự kiên định nào. Tất cả rất tự nhiên. Nhưng nói thật, tôi không nghĩ rằng số lượng công trình của mình đã đủ nhiều. Đáng lẽ tôi có thể viết nhiều hơn, công bố nhiều hơn. Nhưng tôi có một nhược điểm là hơi ôm đồm, thành ra quá bận. Tôi luôn luôn tràn đầy những ý tưởng mới, tôi tham gia nhiều dự án khác nhau. Dù sao, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì những công việc mình đã và đang làm đều không vô ích.

Ngô Tự Lập viết nhiều và viết khỏe ở đa dạng thể loại, nhưng dường như triết học ngôn ngữ và lý luận văn học vẫn là một con đường mà anh dành nhiều tâm sức nhất?

- Văn học và ngôn ngữ học là hai lĩnh vực tôi dành nhiều thời gian, nhưng đó cũng chỉ là hai trong số những mối quan tâm của tôi mà thôi. Thật tình, sau cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển” tôi rất ít viết thêm về văn học. Có lẽ sau cuốn sách này, triết học ngôn ngữ sẽ lại nhường vị trí trung tâm cho những dự án khác. Tuy nhiên, không chủ đề nào hoàn toàn bị lãng quên. Chúng luôn trở lại, như những người quen, trở về với khuôn mặt mới. Điều liên kết chúng, những người bạn cũ và mới ấy, đối với tôi, là triết học.

Nhưng “triết học ngôn ngữ” thực sự vẫn còn khá xa lạ và khó tiếp cận với độc giả trong nước, gần như chỉ được giới chuyên môn quan tâm nhiều hoặc được lưu hành trong các học viện. Anh có coi ấy là một vấn đề khi thực hiện cuốn sách?

- Không. Ngược lại là đằng khác. Ngôn ngữ là cái chúng ta sử dụng hàng ngày. Chúng ta không thể tư duy mà không có ngôn ngữ. Chúng ta không thể sống với tư cách con người đúng nghĩa mà lại thiếu ngôn ngữ. Vì thế, triết học ngôn ngữ cũng rất gần gũi. Vấn đề là cách dạy và học ở ta đã tầm thường hoá triết học, biến nó thành một thứ khô khan, giáo điều, chán ngắt. Cuốn sách của tôi muốn mang đến cho các bạn một cảm nhận ngược lại, một niềm vui triết học.

Khi viết sách, anh có lý tưởng gì không? Hay đơn giản anh nhận thấy rằng đó là một vấn đề cần được viết ra?

- Viết như một lẽ tự nhiên, viết đơn giản là sự giãi bày những điều cần được giãi bày - nói như vậy, theo tôi, chỉ là một cách nói văn vẻ. Thật ra, không một người cầm bút nào lại không có một lý tưởng, hay ít nhất là một niềm tin nội tâm vào giá trị những gì mình viết. Trong trường hợp cụ thể này, khi viết cuốn sách “Triết học ngôn ngữ Voloshinov và những vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin”, cũng như khi viết cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển”, và khi dịch cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ”, tôi hướng tới các em sinh viên.

Trần Nhã Thụy đã có một nhận xét rằng “Ngô Tự Lập không như nhiều nhà văn khác chỉ giỏi duy trì sự nổi tiếng”. Vậy liệu có khi nào anh thấy mình cô độc, mệt mỏi trên con đường mình đang đi?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi và không tin là mình cô độc, nhưng từng có lúc cảm thấy cô đơn. Cách đây ba chục năm, khi mới bắt đầu cầm bút, tôi có viết tiểu luận “Cô đơn như là một định mệnh”. Tôi từng tự nhủ rằng không ngờ cái nhan đề khá “sến” ấy lại vận đúng vào mình, rằng câu nói “văn chính là người” có khi lại còn có ý nghĩa tiên tri nữa. Nhưng càng từng trải, tôi càng mất dần cảm giác cô đơn ấy. Thậm chí, tôi có cảm giác ngược lại. Cô đơn đúng là định mệnh của con người, nhưng người viết có nhiều cơ hội được chia sẻ hơn những khác.

Anh có hy vọng các tác phẩm của mình có tác động phần nào tới nhận thức và tư duy, hoạt động sáng tạo văn chương của thế hệ trẻ bây giờ?

- Tôi không hy vọng, mà tin tưởng. Tin tưởng chắc chắn. Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ đã liên hệ với tôi, không chỉ để mua sách, mà còn để thảo luận. Tôi rất mừng khi cảm nhận tinh thần khoa học, thái độ cầu thị và đầu óc cởi mở của họ trong những cuộc thảo luận ấy. Khi có đầu óc cởi mở, khi còn biết nghe, thì người ta sẽ đi xa. Thảo luận, đối thoại, đó là bản chất của ngôn ngữ sống động, bản chất của văn hoá và toàn bộ đời sống tư tưởng của con người. Bạn biết không, đó chính là luận điểm cơ bản của Voloshinov.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tác giả bài viết: Lan Anh - Bản tin ĐHQGHN số 357

Nguồn tin: vnu.edu.vn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage