IFI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO QUỐC TẾ “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG 4.0”

Thứ hai - 11/12/2017 20:31

Ngày 9/12/2017, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Viện Quốc tế Pháp ngữ đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh điều kiện cách mạng 4.0”. Hội thảo do Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội, tài trợ đã thu hút gần hai trăm sinh viên và các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện và các cơ quan, tổ chức khác nhau. Các diễn giả tham gia Hội thảo là các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, văn học, xã hội học và công nghệ thông tin đến từ Pháp, Trường Đại học Kỹ thuật Milan-Italia, Trường Đại học Xây dựng, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ và Viện Quốc tế Pháp ngữ.

TS Ngo Tu Lap Phat bieu khai mac

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, nhấn mạnh thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp 4.0” cần phải hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là “kinh tế 4.0” hay “kinh tế thông minh” với hai đặc điểm quan trọng Tính siêu công nghệ và Tính tích hợp.

Hội thảo gồm 2 phiên với nội dung phong phú và sâu sắc. Tại phiên thứ nhất, các diễn giả tập trung đề cập đến những vấn đề cấp bách về công nghệ, văn hóa – xã hội trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trước thời kì cách mạng công nghiệp 4.0. Bắt đầu phiên là bài giới thiệu về công trình “Số hóa Nhà hát lớn Hà Nội” với chuyến tham quan ảo Nhà hát, một sản phẩm nằm trong khuôn khổ Chương trình “Số hóa di sản văn hóa” do Viện Quốc tế Pháp ngữ triển khai từ 2 năm nay. Theo TS. Nguyễn Hồng Quang, sản phẩm số hóa Nhà hát lớn Hà Nội chính là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và văn hóa. Tính độc đáo của dự án chính là ở nội dung giới thiệu của chuyến tham quan ảo. Đây là một sản phẩm thông minh mở ra hướng đi mới cho việc nghiên cứu và ứng dựng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp theo là Ông Pierre Bonnet, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc công ty Orchestra Networks, Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xử lí dữ liệu lớn (Big Data), diễn giả quốc tế chính của Hội thảo, đã có những phân tích rất thú vị về Trí tuệ nhân tạo và những tác động của nó đối với xã hội hiện đại.

PGS.TS. Trần Đình Bình, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày tổng kết về việc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam, thành viên tham gia kí kết Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO và giới thiệu những kết quả đạt được trong việc bảo tồn di sản văn hóa nhờ chính sách văn hóa của Chính phủ và sự tham gia của các nguồn lực xã hội từ 25 năm nay. Ông cũng nêu ra những thách thức và đề xuất các giải pháp để bảo tồn các di sản văn hóa phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Các sinh viên và khách mời cũng đã được nghe TS. KTS. Trần Minh Tùng đến từ Trường Đại học Xây dựng phân tích cụ thể về những khái niệm thế nào là “di tích” và “di sản”, “di sản mới” ...

Phiên thứ hai với chủ đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh điều kiện cách mạng 4.0: Một số kinh nghiệm trong nước và quốc tế” thực sự thu hút người nghe.

Các khách mời và sinh viên lần lượt được nghe những ý kiến và phân tích thú vị về sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa với kinh nghiệm từ Italia; về bảo tồn kiến trúc tháp Champa thế kỉ XI ở Việt Nam và xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu làng cổ Đường Lâm phục vụ phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong phần thảo luận, các diễn giả cùng cử tọa đã trao đổi sôi nổi về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những ý kiến và phân tích đa chiều và sâu sắc về vấn đề này .

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, là dịp bổ sung cơ sở học thuật đầy ý nghĩa cho Viện Quốc tế Pháp ngữ tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án số hóa di sản trong tương lai.

Một số báo, đài đã cử phóng viên tới tham gia và đưa tin về Hội thảo. Dưới đây là những đường dẫn tiêu biểu:

Báo điện tử Nhân Dân Online

Báo Courrier du Vietnam 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage