Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.vnu.edu.vn


Giữ vững lá cờ đầu trong cả nước về khoa học cơ bản

Năm 2013 - 2014, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh, ĐHQGHN đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo,...
Năm 2013 - 2014, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh, ĐHQGHN đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Những nỗ lực đó đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, tiếp tục khẳng định vị thế của ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, tiếp cận trình độ khu vực, tiến tới đạt chuẩn quốc tế. Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Trường ĐHKHTN, một trong những trụ cột của ĐHQGHN. Trong năm học vừa qua, Trường ĐHKHTN đã đạt được một số thành tựu lớn, PGS.TS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết:

Năm học vừa qua, Nhà trường đã tổ chức thành công kỳ thi olympic Hóa học quốc tế IChO lần thứ 46, với sự tham gia của hơn 550 các thầy cô giáo và học sinh đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, được ủy ban Olympic Hóa học quốc tế đánh giá là một trong những kỳ thi olympic được tổ chức thành công nhất trong lịch sử. Trên cơ sở những thành tích nổi bật đã đạt được trong mấy chục năm qua, Khoa Hóa học của Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng. Trường ĐHKHTN nhiều năm liên tục luôn giữ vững là lá cờ đầu của ĐHQGHN trong hoạt động khoa học công nghệ. Trường được Bộ Giáo dục và đào tạo trao tặng Bằng khen “đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2013”. các nhà khoa học của Trường công bố 277 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 01 bài trên tạp chí Nature do GS.TS Phạm Hùng Việt làm trưởng nhóm. Tập thể tác giả bài báo được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2013, được chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của KHCN Việt Nam năm 2013. một trong 2 nhà khoa học trên toàn quốc (GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng) được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu. 7 nhóm nghiên cứu được tặng bằng khen "Nhóm nghiên cứu mạnh đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014". 01 công trình NCKH của sinh viên được trao giải Nhất và 02 công trình được trao giải Ba của Bộ Giáo dục và đào tạo. cùng với đó, 01 công trình NcKH sinh viên được trao giải Nhất và 02 công trình được trao giải Ba cấp ĐHQG. Lĩnh vực khoa học tự nhiên của Nhà trường được xếp hạng đứng thứ 59 trong số các trường đại học châu á. đặc biệt trong năm học này, hệ đào tạo THPT chuyên đạt thành tích tốt nhất trong 5 năm vừa qua với 6 huy chương (2 HC Vàng, 2 HC Bạc, 2 HC đồng) ở các kì thi quốc tế (Toán học, Vật lý, Tin học). các đội tuyển của trường THPT chuyên tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đạt thành tích xuất sắc: đạt một giải Nhất và một giải Nhì chung cuộc tại cuộc thi intel iSEF quốc gia năm 2014, là 2 trong số 6 đội của Việt Nam được cử đi tham dự intel ISEF tại mỹ năm 2014. các em học sinh Trường THPT chuyên giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương đồng tại cuộc thi sáng chế quốc tế dành cho thanh thiếu niên tại đài Loan năm 2014.

 

 

Có thể khẳng định, năm học 2013 - 2014, Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. đặc biệt, các chương trình đào tạo NVCL (CNTN, CTTT, CTQT) được thực hiện nghiêm túc với chất lượng cao. Các CTTT (Hóa học, Toán học, Khoa học môi trường) được Bộ GD-ĐT đánh giá cao. Nhiều sinh viên năm cuối đã tham gia NCKH, đạt giải trong các hội nghị KHSV. Một số sinh viên đã có công trình công bố quốc tế (Khoa Toán-cơ-Tin học, Khoa Hóa học). Cũng trong năm học này, ngay sau khi tốt ngiệp đã có 08 sinh viên được nhận học bổng sau đại học ở những trường ĐH có thứ hạng cao trên thế giới như đại học Chicago, MIT, Michigan,... Nhà trường đã thực hiện đánh giá 2 chương trình đào tạo (Toán học, Sinh học) theo chuẩn AUN với kết quả tốt.

Trường đã và đang thực hiện 208 đề tài NcKH (trong đó có 03 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 09 đề tài cấp Nhà nước (KC), 03 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với nước ngoài, 04 đề tài Bộ công thương, 03 đề tài chương trình Biến đổi Khí hậu, 02 đề tài chương trình Tây Nguyên, 01 đề tài chương trình Tây Bắc, 01 đề tài chương trình KHCN Vũ trụ, 01 Nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh ở địa phương, 01 Dự án nghiên cứu thí điểm sử dụng vốn ODA, 02 đề tài hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 34 đề tài NCCB do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ, 16 đề tài nhóm A cấp ĐHQGHN, 49 đề tài nhóm B cấp ĐHQGHN, 01 dự án cấp ĐHQGHN, 01 đề án cấp ĐHQGHN, 03 đề tài PTNTĐ công nghệ Enzym và Protein (KLEPT),...

Như vậy, trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới hội nhập trình độ khu vực và quốc tế, trong năm học này, Trường ĐHKHTN đã có bước đi vững chắc và thu được những kết quả đáng tự hào. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn là thước đo chất lượng của cả thầy và trò của Nhà trường.

Thưa Phó Giáo sư, với những thành tựu đạt được như vậy cho thấy trong năm học vừa qua Nhà trường đã có thiên thời địa lợi nhân hòa?

Để có được những thành công đó, Nhà trường đã nắm bắt và khai thác tốt những thời cơ và thuận lợi cơ bản, như sự tin tưởng của ĐHQGHN, Bộ Giáo dục và đào tạo và của các bộ ngành liên quan trong việc giao các nhiệm vụ đào tạo và NCKH, tạo những điều kiện thuận lợi cho nhà trường thực hiện được nhiệm vụ của mình, được đầu tư các trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại, đủ sức thực hiện nhiệm vụ đào tạo và NCKH đỉnh cao., Hiện nay Trường đang có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi vị thế và uy tín của đại học Quốc gia Hà Nội được khẳng định ở trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định chính phủ về ĐHQG đã được ban hành.

Bên cạnh đó, Nhà trường còn có thuận lợi lớn về giao lưu, hội nhập quốc tế thông qua triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến, quốc tế, tài năng, chất lượng cao,... Trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên sang nước ngoài học tập và ngược lại. đặc biệt, sinh viên thuộc hệ cử nhân tài năng có sức hấp dẫn lớn với những trường đại học hàng đầu thế giới. Với quyết sách đúng đắn của lãnh đạo ĐHQGHN trong việc đổi mới mô hình đào tạo hệ CNKHTN, chương trình này tiếp tục là mô hình kiểu mẫu của đào tạo tinh hoa, đóng góp quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả sự nghiệp cNH, HĐH đất nước.

Thế còn những khó khăn?

Khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là hạn chế về mặt bằng và cơ sở vật chất, hệ thống giảng đường lớp học. Diện tích các phòng học và phòng thí nghiệm còn quá chật hẹp. Với tổng diện tích đất sử dụng 2,52 ha và diện tích sàn sử dụng chỉ là 38.400m2, nhà trường chịu sức ép rất lớn về tốc độ và quy mô phát triển trên diện tích khuôn viên rất hạn chế. Trong khi đó, Dự án xây dựng địa điểm mới của Trường tại Hòa Lạc với diện tích hơn 65 ha do Bộ Xây dựng làm
chủ đầu tư được triển khai còn chậm.

Đứng trước thách thức một số ngành khoa học cơ bản còn thiếu sức hấp dẫn cao đối với xã hội, nhà trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, khó thu hút được học sinh giỏi tài năng dự thi. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong nước ngày càng tăng. Nhiều trường đại học tuy mới được thành lập nhưng lại có điều kiện thuận lợi về tài chính và cơ chế để thu hút cán bộ và sinh viên giỏi. Sự cạnh tranh không chỉ đối với các trường đại học trong nước mà còn đối với các trường đại học quốc tế tại Việt Nam.

Vậy trong năm học tới của Nhà trường đã có kế sách phát triển như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

Bước sang năm học 2014 - 2015, Trường ĐHKHTN tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế; phát triển và bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ khoa học trẻ phấn đấu đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư; giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo của tất cả các bậc học; chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, phát triển tầm nhìn, năng lực kỹ năng sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp cho người học; triển khai có chất lượng cao các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến và chương trình đạt chuẩn quốc tế.

Về NCKH, cần tập trung thực hiện tốt các đề tài/ dự án khoa học công nghệ đang chủ trì và tham gia. Giữ vững số lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và báo cáo toàn văn được in trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Tiếp tục xây dựng các nhóm Nc mạnh cấp ĐHQGHN, tạo cơ sở để xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc. Tiến hành kiểm định AUN với 03 chương trình đào tạo của các khoa Vật lý, địa chất và môi trường, tích cực chuẩn bị cho tiến hành kiểm định AUN cấp toàn trường vào cuối năm 2015.

Để đạt được kế hoạch, nhiệm vụ đề ra trong năm học tới, Nhà trường sẽ áp dụng những giải pháp gì?

Thứ nhất, triển khai các giải pháp đột phá để tuyển dụng, thu hút cán bộ giỏi về làm việc tại Trường. Tiếp tục thực hiện chính sách chỉ tuyển cán bộ giảng dạy đối với những người đã có học vị tiến sĩ. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và trọng dụng nhân tài; xây dựng văn hóa chất lượng và phát triển môi trường học thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Tạo điều kiện để cán bộ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ đi báo cáo khoa học tại các Hội nghị khoa học quốc tế lớn.

Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong nước và tiếp cận

với trình độ của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, theo hướng tiếp cận cDio, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, tầm nhìn và kỹ năng cho người học. Xây dựng các giải pháp để nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học chính quy, đặc biệt là với một số ngành khó tuyển. Triển khai công tác điều tra nhu cầu xã hội đối với các ngành có ít thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh. Tăng cường thu hút nguồn tuyển sinh đại học từ học sinh các trường trung học phổ thông chuyên. đặc biệt, cần chú trọng đầu tư đúng mức cho các chương trình đào tạo cNKHTN. Xác định đây chính là điểm đột phá để nâng tầm chất lượng đào tạo và uy tín quốc tế của Nhà trường trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Thứ ba, cần sắp xếp lại các trung tâm nghiên cứu với các tiêu chí phù hợp các yêu cầu sản phẩm và mô hình trường đại học nghiên cứu tiên tiến và theo phương pháp quản trị đại học tiên tiến. Tạo sự liên thông liên kết chặt chẽ giữa các viện/trung tâm và các khoa cũng như các đơn vị khác trong Trường và ĐHQGHN. Khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho cán bộ thiết lập và thực hiện các quan hệ hợp tác trong và ngoài nước; tạo cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản và chính sách phù hợp để phát triển hợp tác, trao đổi cùng có lợi với các đối tác trong và ngoài nước. Tích cực mở rộng và phát huy các chương trình dự án hợp tác với các cơ sở, hiệp hội nghiên cứu và các quỹ tài trợ nghiên cứu trên thế giới.

Thứ tư, tạo sự đồng thuận cao và môi trường làm việc, học tập thân thiện. Nâng cao sự năng động, sáng tạo của các cá nhân, đơn vị, các tổ chức đoàn thể. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai hóa các hoạt động của nhà trường. Khuyến khích và tạo điều kiện để mọi thành viên của nhà trường được phát triển, tiến bộ và cống hiến. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau và sẵn sàng phục vụ tập thể, phục vụ cộng đồng. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong việc nâng cao uy tín của ĐHQGHN và của Trường ĐHKHTN.

 Vũ Hoàng - Bản tin ĐHQGHN