Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.vnu.edu.vn


“Điểm danh” thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội

Các tân sinh viên của ĐHQGHN đã lần lượt làm thủ tục nhập học vào các trường thành viên và khoa trực thuộc. Các thủ khoa của ĐHQGHN đã chia sẻ với phóng viên...
Các tân sinh viên của ĐHQGHN đã lần lượt làm thủ tục nhập học vào các trường thành viên và khoa trực thuộc. Các thủ khoa của ĐHQGHN đã chia sẻ với phóng viên Website ĐHQGHN về cảm xúc của mình trong ngày nhập trường.
Bất ngờ vì trở thành thủ khoa của đại học danh tiếng
Dự thi khối A vào Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), Nguyễn Văn Tuân trở thành thủ khoa ngành Công nghệ Thông tin với tổng điểm 28.5.
Năm nay, Tuân dự thi ngành Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Công nghệ và đạt 28.5 điểm, trong đó Toán 9.25, Vật lý 9 và Hoá 10. Tuân tâm sự, em rất bất ngờ vì trở thành thủ khoa của đại học danh tiếng.
Gia đình Tuân thuộc hộ cận nghèo của thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Bố làm nghề phụ hồ, bốc vác, mẹ trồng cấy, chăn nuôi và khâu dép thuê. Công việc thất thường, mỗi tháng bố mẹ em chỉ kiếm được 1 - 1,5 triệu đồng. Số tiền ấy chẳng đủ để đóng học phí, tiền sinh hoạt cho Tuân học lớp 12 và chị gái đang học năm thứ ba Học viện Ngân hàng.
Thương bố mẹ vất vả, ngoài giờ lên lớp, Tuân chăm chỉ ra đồng cấy, gặt, tát nước, bón phân. Mẹ em kể, phải đến 3 tháng cuối lớp 12 khi phụ huynh nhắc nhở nhiều em mới giãn việc nhà để tập trung ôn luyện.
Với phương pháp học: tập trung nghe giảng, làm bài ngay trên lớp và ghi chú những kiến thức quan trọng, 12 năm ngồi ghế nhà trường, Tuân đều đạt học sinh giỏi. Lớp 12, em giành giải Nhì học sinh giỏi môn Toán, đạt 37/40 điểm thi tốt nghiệp.
Thủ khoa Khoa Luật: Mong muốn góp sức mình cho một xã hội công bằng
Con đường đến với thủ khoa 26 điểm của Khoa Luật (ĐHQGHN) của Tăng Thúy Vy là một nỗ lực không ngừng của bản thân với sự kết hợp giữa việc học trên lớp và tự tích lũy kiến thức.
Với số điểm thành phần: Toán 8.25, Vật lý 8.5 và Hóa học 9.25, Tăng Thúy Vy trở thành Thủ khoa ngành Luật kinh doanh. Kết quả đỗ thủ khoa khiến không chỉ Thúy Vy mà cả gia đình ai cũng bất ngờ. Hàng ngày, ngoài giờ đi học trên lớp, Thúy Vy phụ giúp gia đình làm những công việc nhà. Ngoài những người trong gia đình, hàng xóm, thầy cô, bạn bè ai cũng khen Thúy Vy là cô bé ngoan ngoãn, thông minh, chăm chỉ.
Khi được hỏi về phương pháp học tập để đạt được điểm cao, cô thủ khoa tươi cười: “Khi học trên lớp thì em chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, chú ý cách làm, cách trình bày của thầy cô vì điều này rất quan trọng. Nó sẽ giúp em có cách trình bày hay. Thêm nữa là cùng các bạn học nhóm để chia sẻ với nhau những kiến thức, như vậy sẽ dễ tìm ra cách giải hay cho bài làm”.
“Về nhà thì em ôn lại các kiến thức lý thuyết, tìm hiểu sâu về bản chất của kiến thức để làm bài tập từ dễ đến nâng cao. Khi học ở nhà, em sắp sếp thời gian biểu cho hợp lý là mình phải học đều đặn, tâm lý ổn định như vậy khi đi thi mới không lo lắng và làm bài tốt hơn”, Vy cho biết thêm.
Ước mơ của Tăng Thúy Vy là sau này sẽ trở thành một luật sư, Hằng tâm sự: “Em thấy ngành luật rất hay và ý nghĩa nên chọn thi và mơ ước sau này trở thành một luật sư để giúp ích cho xã hội. Luật giúp xã hội trật tự và văn mình hơn, hơn nữa luật cũng chống lại những sai trái để quản lý xã hội. Em mong sau này khi ra trường mình sẽ góp được một phần sức mình cho xã hội”.
Mọi kết quả học tập đều là sự cố gắng của bản thân
Đỗ đầu vào Khoa Y Dược, ĐHQGHN, Hồng Thị Hương vừa mừng vừa lo lắng về mọi điều ở phía trước, từ kinh tế gia đình đến sức khoẻ bản thân.
Với số điểm các môn Toán, Lý, Hoá lần lượt là 9, 8.75, 8.5, Hồng Thị Hương (cựu học sinh Trường THPT Thanh Chương 3, Nghệ An) trở thành tân thủ khoa, Khoa Y Dược, ĐHQGHN. Xen lẫn niềm vui từ lời chúc của hàng xóm, bạn bè, Hương tỏ ra lo lắng về chặng đường phía trước. “Lo nhất là bố mẹ không đủ sức trang trải cho 5 năm học tập của mình, thứ nữa là sức khoẻ bản thân không đáp ứng được áp lực học tập…”, nữ thủ khoa tâm sự.
Do chỉ cao 1.45m, nặng 35kg, Hương được bạn bè gọi đùa là “cô bé hạt tiêu”. Nhà cách trường 8km nên nhiều hôm tan trường, Hương phải ghé vào nhà cô giáo chủ nhiệm nghỉ ngơi vì không đủ sức đạp xe về nhà giữa trưa nắng. Bù lại, Hương học rất giỏi, các năm lớp 9 và 12, em đoạt giải khuyến khich môn Toán và tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Ước mơ từ bé của em là được làm cô giáo, nhưng lúc làm hồ sơ dự thi đại học, cô giáo chủ nhiệm đã tư vấn cho em chọn ngành y dược”, cô thủ khoa nhỏ bé tâm sự.
Chia sẻ về bí quyết học tập đạt kết quả cao, nữ thủ khoa cho rằng mọi kết quả học tập đều là sự cố gắng của bản thân. Kinh tế gia đình khó khăn, Hương cũng không có điều kiện mua nhiều sách nâng cao mà phần lớn tranh thủ mượn thầy cô, bạn bè và lên mạng tìm tài liệu.
Hương cho hay, em chỉ mong hoàn thành chặng đường đại học để khỏi phụ công sức bố mẹ và ra trường có việc làm ổn định. “Em ước khi học xong sẽ được làm việc tại thành phố Đà Nẵng vì qua tìm hiểu thì em thấy Đà Nẵng là thành phố phát triển về mọi mặt, con người thân thiện”, tân thủ khoa Y Dược – ĐHQGHN chia sẻ.
Cần có sự say mê và hứng thú trong học tập
Nguyễn Thị Vân – tân sinh viên khoa Đông Phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN không giấu được niềm vui khi biết tin mình trở thành thủ khoa.
“Khi thi đỗ vào Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc – ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt, em đã mơ ước dược trở thành thủ khoa, á khoa như các anh chị khoá trên. Khi đi thi, em không nghĩ mình sẽ đạt điểm cao nên khi nhận được kết quả em thực sự bất ngờ, sau đó là hạnh phúc, đến bây giờ, niềm hạnh phúc ấy vẫn chưa vơi đi”.
Gia đình và thầy cô là những người tiếp thêm sức mạnh cho Vân. Em hiểu được sự lo lắng của bố mẹ nhưng không lấy đó làm áp lực mà biến nó trở thành động lực cho bản thân vượt qua khó khăn trong những ngày ôn thi.
Chia sẻ về bí quyết và kinh nghiệm học khối C, Vân cho biết: “Em nghĩ khi học cần có sự say mê và hứng thú với môn học đó, nhất là với khối C chủ yếu là các môn học thuộc. Mỗi ngày cần chăm chỉ tích luỹ kiến thức, thường xuyên ôn lại chứ không phải học thuộc lòng đơn thuần, học một cách máy móc. Em thường học theo từng ý sau đó tự triển khai thành một bài hoàn chỉnh, khi đó bài viết mới thực sự là của mình. Ngoài ra, em còn tra cứu thêm các kiến thức trên mạng để bài viết của mình có sức thuyết phục hơn, đặc biệt là những sự kiện đầy tính biến động trong thời gian qua”.
Nguyễn Thị Vân chia sẻ, em rất yêu Văn học và Lịch sử, em biết khi học Đông Phương học sẽ có cơ hội được tìm hiểu lịch sử, văn hoá các dân tộc trên thế giới. Ước mơ của cô thủ khoa nhỏ nhắn là trở thành một cô giáo dạy văn giỏi, có thể đem kiến thức mình có để phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
98% kết quả đạt được là do rèn luyện
Với số điểm 27.5, Nguyễn Thu Thuỷ trở thành thủ khoa khối B Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).
“Em chỉ dự đoán mình được 27 điểm nhưng khi biết mình trở thành thủ khoa em đã rất bất ngờ. Em học thiên về khối B, thích học Hoá, Sinh nên em đã chọn khoa Công nghệ Sinh học để thi cả hai khối A và B” – Cựu học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.
Nguyễn Thu Thủy (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng thầy Hiệu trưởng Văn Như Cương và các bạn học
Trong những năm học cấp 3, điểm tổng kết các môn của Nguyễn Thu Thuỷ luôn đạt trên 9.0 với môn học sở trường là Hoá học. Khối A Thuỷ đạt được số điểm khá cao là 24.5. Ước mơ sau này của em là được nghiên cứu khoa học và đi du học Nhật Bản chuyên ngành Công nghệ Sinh học.
Cô Nguyễn Thị Quý, mẹ của thủ khoa Nguyễn Thu Thuỷ không giấu nổi niềm tự hào khi nói về con gái mình: “Ngay khi bước chân vào lớp 1, Thuỷ đã có ý thức tự giác, kiên trì, có ý chí phấn đấu. Sau 12 năm học, Thuỷ chưa bao giờ để cô phải nhắc nhở việc học tập, mà cô chỉ là người ở bên cạnh động viên con. Cô vẫn thường nói với con trước khi thi rằng kết quả được bao nhiêu con hãy chấp nhận lấy cho dù thấp, để từ đó rút kinh nghiệm và phấn đấu. Đến bây giờ cô vẫn tin rằng, Thuỷ có đến 98% kết quả đạt được do rèn luyện còn 2% là do bẩm sinh”, cô Quý chia sẻ.
Ước mơ dạy học của Tân thủ khoa Trường Đại học Ngoại ngữ
Ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ, Đặng Minh Tâm quyết định thi vào Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) để thực hiện mơ ước của mình. “Em rất bất ngờ khi biết mình trở thành thủ khoa với số điểm 35.5” – Tân thủ khoa Trường Đại học Ngoại ngữ tâm sự.
Với thành tích 12 năm liền đạt học sinh giỏi, đạt giải Tiếng Anh cấp thành phố và cấp tỉnh, khi được hỏi về phương pháp học tập của mình, Đặng Minh Tâm cho biết: “Khi thử bất cứ cách học nào em đều phải ngẫm nghĩ thật kỹ để tìm cho mình một cách học phù hợp nhất. Đó vừa là điều khó khăn, vừa là thuận lợi đối với em. Bên cạnh đó, em cũng cố gắng tự cân bằng giữa thời gian học tập và thời gian dành cho những hoạt động ngoại khóa khác”.
Nói về “bí kíp” học Tiếng Anh của mình, Minh Tâm cho biết: “Em không tự nhận mình là một người học tốt Tiếng Anh mà em chỉ cố gắng học Tiếng Anh một cách tự nhiên nhất thông qua phim ảnh, thời sự, poster quảng cáo, truyện tranh… hay bất cứ thứ gì có Tiếng Anh. Em cho rằng trong thời đại giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ như hiện nay thì mỗi người cần trang bị cho mình vốn ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng thật tốt”.
Thủ khoa Trường ĐH Giáo dục: Nghĩ về gia đình để học tập tốt hơn
“Bố mất sớm khi em mới 10 tuổi, một mình mẹ nuôi ba chị em ăn học. Chị gái em đang học ĐH năm thứ 3, còn cậu em trai đang học lớp 11. Mỗi khi nhìn thấy mẹ vất vả em lại càng quyết tâm hơn, gia đình là động lực giúp em vượt qua những mặc cảm và khó khăn để có được thành quả như ngày hôm nay” – Đó là những lời tâm sự của Nguyễn Thị Tuyền – cô gái nhỏ đến từ Thuận Thành, Bắc Ninh đã vượt qua hàng trăm thí sinh để trở thành tân thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) với tổng điểm 24.5.
Mơ ước trở thành người “luyện nét chữ, rèn nếp người”, Nguyễn Thị Tuyền quyết định chọn thi vào ngành Sư phạm. “Em đã nhận được lời khuyên từ gia đình và thầy cô nên quyết định chọn thi Trường ĐH Giáo dục. Em tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn”.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình,Tuyền cho biết, em luôn chú ý nghe giảng trên lớp để có thể hiểu bài ngay, thời gian ở nhà dành để đọc thêm sách tham khảo để mở rộng kiến thức và hiểu vấn đề một cách sâu nhất. Bên cạnh đó, Tuyền thường sưu tầm các bài tập, tìm tòi nhiều cách giải và trao đổi với bạn bè, thầy cô để có cách giải hay nhất.
“Trong quá trình ôn thi em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về việc sắp xếp thời gian học, thời gian làm việc nhà giúp đỡ mẹ… Những lúc đó em luôn nghĩ về gia đình, về sự vất vả của mẹ. Đó là cách em vượt qua khó khăn và kiên trì hơn nữa trong học tập”, Tuyền chia sẻ
Một năm học mới đang đến gần, cánh cổng trường đại học đã mở ra với các em – những tân sinh viên của ĐHQGHN. Hi vọng rằng những thành quả các em có được ngày hôm nay sẽ là hành trang trên con đường tương lai phía trước.
Gặp gỡ tân thủ khoa Trường Đại học Kinh tế
Nguyễn Thành Trung – tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) đã trở thành thủ khoa khối A1 của Trường cũng như của toàn ĐHQGHN với 27 điểm.
Trung tâm sự, sự lựa chọn vào Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) của mình không hoàn toàn là ảnh hưởng từ phía gia đình. Trước đó, Trung cũng băn khoăn giữa Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, sau một thời gian tự mình tìm hiểu, Trung quyết định chọn Trường Đại học Kinh tế vì thấy ở đây có một môi trường phù hợp với tính cách của mình. “Với việc được học các môn bằng tiếng Anh và giảng dạy kiến thức chuyên ngành bởi các giảng viên giỏi và nhiệt tình; cộng với nhiều chương trình ngoại khoá, trao đổi, giao lưu với các sinh viên trong nước lẫn nước ngoài, em có thể học được không chỉ kiến thức vững về kinh tế mà còn có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trong môi trường năng động này. Gia đình ủng hộ và động viên em rất nhiều trong thời gian ôn thi”.
Nguyễn Thành Trung trong một chuyến du lịch cùng gia đình
Trung cho rằng, phải học khi đầu óc thật thoải mái để có thể tiếp thu được kiến thức hiệu quả nhất. Ngoài ra, học tập luôn phải có sự sáng tạo, bên cạnh những kiến thức nền cần có những tìm tòi cho việc giải mỗi bài tập; đặc biệt cần hiểu sâu, rõ bản chất chứ không phải chỉ học vẹt.
Yêu thích các hoạt động ngoại khoá, Trung cũng tự tìm hiểu về một số câu lạc bộ sinh viên của Trường. Hiện tại, Trung quan tâm đến Câu lạc bộ Kinh tế trẻ YEC vì đây là CLB truyền thống của Trường Đại học Kinh tế và có các hoạt động NCKH sôi nổi.
Trung cho biết, em đang rất háo hức đợi đến ngày nhập học để được gặp thầy cô, bè bạn trong môi trường mới và hi vọng sẽ có nhiều điều bất ngờ thú vị đang chờ đón em ở ngôi trường mới này.

 

 Ngọc Hương - VNU Media