Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.vnu.edu.vn


Tổng kết khóa khóa tập huấn 03 “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

Nối tiếp chuỗi hoạt động đào tạo của nhiệm vụ “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ngày 06/7/2021, Viện Quốc tế Pháp Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) đã tổng kết khóa tập huấn 03 “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” dành cho cán bộ quản lý các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khóa đào tạo thuộc đề án 844 “Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do IFI chủ trì.
Học viên trao đổi với các chuyên gia
Học viên trao đổi với các chuyên gia

Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 02 đến 06 tháng 7 năm 2021 bằng hình thức trực tuyến. Tham gia khóa tập huấn có 30 học viên là các cán bộ quản lý các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo uy tín tại Việt Nam. Khóa tập huấn 03 hướng tới cung cấp cho học viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết và chuyên sâu về những phương pháp, quy trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khoá tập huấn được thực hiện bởi nhiều chuyên gia danh tiếng trong và ngoài nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, có thể kể đến một số tên tuổi của các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp như TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, giảng viên Trường Đại học Kinh tế; TS. Phan Quốc Nguyên; TS. Đào Minh Quang; TS. Lê Thanh Huyền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục; ThS. Phan Hồng Giang; TS. Trần Huy Tùng; GS. Jane Ginsburg; GS. Thomas G. Gilione; DN. Nedeljko Milosavljevic; DN. Phạm Anh Cường; DN. Nguyễn Đình Trung …

Trong đó, GS. Jane C. Ginsburg, phụ trách chuyên đề Giá trị, thương hiệu doanh nghiệp hiện là Giám đốc Trung tâm Luật, Truyền thông và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Bà đã có nhiều năm giảng dạy các bộ môn phương pháp lý luận, luật về quyền tác giả và luật nhãn hiệu tại Trường Đại học Luật Columbia. Bà cũng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như cơ sở lý luận trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Tham gia giảng dạy chuyên đề Startup và Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐỔI MỚI SÁNG TẠO là GS. Voon Jee Ho – Giảng viên và cố vấn Đổi mới sáng tao của Trường Đại học Công nghệ Nanjang. GS. Voon Jee Ho hiện cũng là chủ tịch quỹ Techbridge - Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ và các start-up. Ông có nhiều kinh nghiệm và cống hiến cho việc hỗ trợ các start-up trên toàn thế giới. GS. Voon Jee Ho là chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghệ và thương mại hóa, từng hợp tác với nhiều trường đại học, công ty lớn trên khắp thế giới.

Các học viên cũng vô cùng hào hứng với những kiến thức thực tế, mới mẻ từ bài giảng của TS. Phan Quốc Nguyên qua chuyên đề Chiến lược kêu gọi vốn cho Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từng đảm nhiệm vị trí giảng viên, nghiên cứu viên về sở hữu trí tuệ tại Châu Á – WIPO – WTO vào năm 2017 và quản lý Ươm tạo doanh nghiệp Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, TS. Phan Quốc Nguyên hiện là luật sư sáng chế và sở hữu trí tuệ, hoạt động sôi nổi và là chuyên gia có thâm niên và uy tín lớn trong và ngoài nước về lĩnh vực đổi mới sáng tạo. TS. Phan Quốc Nguyên cũng là người đồng hành cùng chuỗi hoạt động thuộc đề án 844 “Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do IFI chủ trì.

Ngoài ra, chuyên đề Quy trình và quản lý các dự án đầu tư của doanh nhân Nedeljko Milosavljevic cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực. Theo đó, việc nắm vững quy trình và cách thức quản lý dự án đầu tư sẽ giúp học viên xác định các kỹ năng và công cụ quản lý dự án phù hợp và tối ưu để có thể tiếp cận việc kinh doanh, quản lý hoạt động, cung cấp các sản phẩm phù hợp cho khách hàng, quản lý những cải tiến và tăng trưởng.

Học viên tham gia khóa học với hình thức trực tuyến
Học viên tham gia khóa học với hình thức trực tuyến

Dù được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhưng các buổi học vẫn diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả. Khóa tập huấn đã nhận được sự chào đón của học viên và những lời khen ngợi đến từ phía lãnh đạo nhà trường, các giảng viên và các chuyên gia tham gia khóa đào tạo. Bà Bùi Thị Hiên, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Awaken chia sẻ: “Khóa học đem đến cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích. Tôi đã có được cách nhìn nhận vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách mới mẻ, tích cực và đa chiều hơn. Thông qua khóa học chúng tôi hi vọng có thể tìm ra được nhiều startup tiềm năng và hỗ trợ họ phát triển các dự án khởi nghiệp, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế xã hội của nước nhà nói chung và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp chúng tôi nói riêng.”

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa phụ trách chuyên đề 'Chiến lược xây dựng và vận hành Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo'
TS. Hoàng Thị Bảo Thoa phụ trách chuyên đề "Chiến lược xây dựng và vận hành Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Thông qua khóa tập huấn, các học viên đã nâng cao nhận thức và vận dụng được quy trình, phương pháp đầu tư, quản trị danh mục đầu tư vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, học viên có khả năng tìm kiếm đối tượng phù hợp cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khóa tập huấn đã kết thúc thành công, góp phần nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp. Sự thành công đó không chỉ nhờ vào sự nỗ lực của ban tổ chức và các chuyên gia mà còn nhờ sự ủng hộ nhiệt tình và tạo điều kiện của ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Khóa tập huấn đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu và nhiều hướng đi tích cực đối với tất cả các học viên tham dự. Các sản phẩm của khóa học sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đưa vào thực tế qua nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác nhau của đề án 844. Kết thúc khóa tập huấn, các học viên được nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn.