Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.vnu.edu.vn


Thư mời viết bài hội thảo quốc tế: “Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người”

Ngày 18/10/2023, Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người” với sự đồng hành của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3, Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Viện Pháp tại Việt Nam (IFV), Tập đoàn Giáo dục Toàn cầu Galileo (GGEF), Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI), Công ty Linagora Việt Nam và Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (IAMES). Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do IFI khởi xướng và được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ.

GIỚI THIỆU CHUNG

Cụm từ “an ninh con người” lần đầu tiên được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sử dụng vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người - tài liệu được cho là đã đề cập toàn diện nhất về khái niệm an ninh con người. Trong đó, UNDP đã phát triển một bước đột phá kép so với tầm nhìn truyền thống về an ninh, cụ thể: (i) an ninh con người nhằm mục đích định vị lại các cá nhân với tư cách là chủ thể chính của an ninh hơn là các quốc gia; (ii) phá vỡ quan điểm và tầm nhìn về an ninh chỉ tập trung vào các vấn đề quân sự. Chính vậy, UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người, với 07 nhân tố cấu thành gồm: (1) an ninh kinh tế, (2) an ninh lương thực, (3) an ninh y tế, (4) an ninh môi trường, (5) an ninh cá nhân, (6) an ninh cộng đồng và (7) an ninh chính trị.[1]

An ninh con người chiếm một vị trí quan trọng trong bốn lĩnh vực an ninh chủ yếu, cùng với an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh phi truyền thống.[2] An ninh con người và đảm bảo an ninh con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo đó, không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực, mà còn bao gồm nhân quyền, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mỗi cá nhân có cơ hội và sự lựa chọn để phát huy được năng lực của mình.[3] Các quốc gia luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển, nói cách khác, con người là trung tâm, là quan trọng nhất trong quá trình phát triển. An ninh con người là điều kiện sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc.

Những biến động trong an ninh quốc tế hiện nay đang ngày càng làm rõ ràng hơn phạm trù an ninh con người; các yếu tố thay đổi có ảnh hưởng sâu sắc và tác động đến an ninh con người. Theo đó, kỹ thuật số được xếp như một trong những vấn đề được quan tâm nhất mà hệ quả chính của nó là quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức cho sự phát triển an ninh con người của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới sự tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng, an ninh con người được đặt trong mối quan hệ mật thiết với những nội dung an ninh khác. Bối cảnh hiện nay cho thấy, cần có sự hợp lực từ các quốc gia - dân tộc, để cùng gây dựng môi trường an toàn cho không chỉ người dân sống trên lãnh thổ của mình, mà còn góp phần đảm bảo an ninh con người trên phạm vi toàn cầu.

MỜI VIẾT BÀI

Với mục đích trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật xoay quanh chủ đề An ninh con người và những tác động của chuyển đổi số, ban Tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ giảng viên,... tham gia đóng góp nội dung cho Hội thảo. Các bài viết có chất lượng sẽ được đăng trong Kỷ yếu chuỗi Hội thảo DAAS-2023 (có số ISBN và ISSN 2734-9969) và các bài viết xuất sắc sẽ được đăng trên Ấn phẩm Khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương (ISBN quốc tế và ISSN 2525-2488).

Chủ đề của bài viết bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề sau:

  • Làm rõ nội hàm khái niệm “an ninh con người”, những yếu tố cấu thành, yếu tố tác động và ảnh hưởng đến an ninh con người và an ninh con người trong thời đại kỹ thuật số;
  • Các hình thức và nguy cơ đe dọa tới an ninh con người;
  • Phân biệt an ninh con người và an ninh quốc gia và các phạm trù khác;
  • Tìm hiểu các chủ thế, yếu tố bảo đảm và cung cấp an ninh con người;
  • Các nguy cơ, yếu tố tác động tới an ninh con người;
  • Vấn đề bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay;
  • Chính sách và quan hệ giữa các quốc gia lý giải mối quan hệ giữa chuyển đổi số và an ninh con người;
  • Khác biệt về bối cảnh và các khía cạnh văn hóa trong mối quan hệ giữa chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh con người;
  • Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) gắn với chuyển đổi số và an ninh con người;
  • Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam từ đó rút ra những bài học phát triển về an ninh con người;
  • Các công cụ quốc tế về bảo đảm an ninh con người;
  • Chính sách, biện pháp hiện nay và đề xuất nhằm hoàn thành các mục tiêu cơ bản về an ninh con người mà Liên Hợp Quốc đã đề ra;
  • Hợp tác quốc tế đảm bảo an ninh con người trên phạm vi toàn cầu

Thời hạn gửi đề xuất, toàn văn tham luận:

  • Thời hạn gửi đề xuất tham luận:    25/9/2023
  • Thời hạn gửi toàn văn tham luận:  15/10/2023

Thể lệ đối với bài đề xuất tham luận và toàn văn tham luận 

  • Đề xuất tham luận (tên bài viết, tên tiểu mục, từ khoá): không quá 500 từ
  • Toàn văn tham luận (không kể tên bài, tóm tắt và từ khóa): không quá 5000 từ
  • Toàn văn tham luận được soạn thảo dưới dạng .docx, không cách dòng, kèm theo họ tên tác giả, số điện thoại, cơ quan công tác.
  • Hình thức bài viết: Bài viết được trình bày với cỡ chữ 13 giãn dòng Single, sử dụng font chữ Times New Roman. Căn lề: trên 2 cm; dưới 2 cm; phải 2 cm; trái 3 cm. Các trang, hình, bảng biểu phải được đánh số rõ ràng, chính xác.
  • Ngôn ngữ trình bày tham luận: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp.
  • Hướng dẫn trình bày Đề xuất và toàn văn tham luận.

Địa chỉ liên hệ và gửi bài viết:

Mrs. Đào Anh Thư

Trung tâm Tư vấn Xúc tiến và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (IFI-BRAIN)

Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Phòng 109, nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, CầuGiấy, Hà Nội

Điện thoại: 0243 745 0173 (máy lẻ: 309); Di động: 096.276.4080

Email tiếp nhận bài viết: anhthu.dao@vnu.edu.vn (cc: brain.ifi@vnu.edu.vn)


[1] United Nations Development Program, "New Dimensions of Human Security," in Human Development Report 1994, p.23, (http://hdr.undp.org/reports/global/ 994/en/pdf/hdr_1994_ch2.pdf)

[2]  Đặng Xuân Thanh, Đào Thị Minh Hương: Bảo đảm an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.32.

[3] Commission on Human Security, "Human Security Now," New York, 2003, p.4

Tác giả bài viết: IFI-BRAN